Nhờ vị trí địa lý, hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, chính sách mời gọi đầu tư hấp dẫn… Long An đang trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
Đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI
Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 15,15 tỷ USD.
Tính lũy kế đến ngày 20/10/2021, cả nước có 34.266 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 404 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 247 tỷ USD, bằng 61,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Bất chấp dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Xét theo địa bàn đầu tư, Long An là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD tại huyện Cần Giuộc (chiếm tới 84,2% tổng vốn đầu tư của Long An). TP.HCM đã trở lại vị trí thứ hai với trên 2,73 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 2,72 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út, nhờ lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, lao động cùng chủ trương, chính sách đúng đắn, nhiều năm qua, Long An trở thành “điểm sáng” trong công tác thu hút đầu tư trong vùng cũng như cả nước, đứng vị trí tốp đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Môi trường đầu tư của tỉnh luôn thông thoáng, hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư. Địa phương luôn quan tâm, tạo điều thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là việc thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp.
Số liệu cho thấy, trong năm 2020, Long An thu hút được 73 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 297,9 triệu USD; 77 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng 155,1 triệu USD. Luỹ kế đến ngày 20/10/2021, Long An có 1.266 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn lên đến gần 12,1 tỷ USD.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để thu hút đầu tư
Xét về hạ tầng giao thông, Long An là cửa ngõ, kết nối giữa TP.HCM và vùng Đông Nam bộ với vùng đồng bằng sông Cửu Long; là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thời gian qua, tỉnh này có nhiều công trình lớn, giữ vị trí quan trọng trong việc tạo sự kết nối từ các khu, cụm công nghiệp đến TP.HCM, cảng quốc tế Long An như đường Tân Tập – Long Hậu, đường Lương Hòa – Bình Chánh, trục động lực Đức Hòa, đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức – Hiệp Phước…
Chưa kể, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương đang chuẩn bị nối dài đến Cần Thơ và cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ hoàn thành trong năm 2021. Điều này giúp Long An có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu hàng hóa, du lịch, đồng thời thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Về đầu tư hạ tầng, Sở Giao thông vận tải Long An cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn khoảng 30.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án giao thông trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án như đường vành đai thành phố Tân An, đường DT830; dự án đường DT 827E có tổng vốn dự kiến khoảng 16.500 tỷ đồng, dự án đường DT 830E có tổng vốn hơn 3.300 tỷ đồng… Các dự án này khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ kết nối thông suốt từ các khu, cụm công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đến Cảng Quốc tế Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Được biết, Long An có diện tích hơn 4.490 km2, dân số hơn 1,68 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 9,11% mỗi năm. Tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng thứ ba cả nước, với khoảng 13.200 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng vốn 338.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.100 ha, 35 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 11.000 ha. Những lợi thế này đang giúp cho bất động sản Long An trở thành điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư.